Ngày 15/1/2020 vừa qua, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (Ecole française d’Extrême Orient – EFEO) tại Tp Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm về chủ đề « Dịch thuật và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn : một khuynh hướng mới ở Việt Nam », do bà Nguyễn Thị Từ Huy (Đại học Thái Bình Dương) thuyết trình bằng tiếng Pháp, có phiên dịch sang tiếng Việt.
Olivier Tessier, nhà nhân học, đại diện của Ecole française d’Extrême Orient – EFEO tại thành phố Hồ Chí Minh, đang phát biểu
Bà Nguyễn Thị Từ Huy đã trình bày một số nét căn bản trong những chuyển dịch quan trọng của dịch thuật và nghiên cứu ở lĩnh vực này kể từ vài chục năm nay. Hai đặc điểm nổi bật nhất là mở ra tiếp nhận các giá trị phong phú của thế giới bên ngoài và đa dạng hóa các phương pháp và các khuynh hướng tiếp cận.
Ở phần thứ nhất của bản thuyết trình, trong khi miêu tả sơ lược về bức tranh chung , bà Nguyễn Thị Từ Huy đã cho thấy sự đa dạng hóa trong lựa chọn về dịch thuật và nghiên cứu trong một số lĩnh vực nổi bật : giáo dục học, kinh tế học, triết học ; một số ngành mới được quan tâm gần đây : chính trị, luật pháp, phân tâm học, nhân học, xã hội học, nghiên cứu về giới… và những ngành vốn có từ lâu nhưng được đa dạng hóa về phương pháp nghiên cứu : nghiên cứu văn học, nghệ thuật học, lịch sử…
Nhà xuất bản Tri Thức được đề cập như một trường hợp đặc biệt với những đóng góp đặc biệt cho tiến trình phát triển dịch thuật ở Việt Nam.
Ở phần thứ hai của nội dung thuyết trình, bà Nguyễn Thị Từ Huy đưa ra một số suy nghĩ về hiện tượng này. Bà cho rằng xu hướng mới trong dịch thuật và nghiên cứu thể hiện hai ý thức của các cá nhân và của xã hội Việt Nam. Trước hết, đó là ý thức về tồn tại trong một thế giới toàn cầu hóa, khi mà thế giới không còn ở đâu xa xôi hay ở bên ngoài nữa, mà thế giới được nội hóa trong từng cá nhân với những trao đổi được thực hiện trên phạm vi toàn cầu, diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng phút, hàng giây. Cá nhân mang thế giới ở trong mình, mọi nơi mọi lúc. Hiện sinh trở thành hiện sinh trong thế giới này, chứ không chỉ là ở trong phạm vi làng xã, phố thị hay đất nước. Để thích ứng với phương thức hiện sinh này, người Việt Nam buộc phải mang sự phong phú của thế giới về giới thiệu cho xứ sở của mình, làm giàu cho mình bằng nguồn tài sản tri thức của thế giới, để có thể tồn tại cùng với thế giới.
Khuynh hướng mới trong dịch thuật và nghiên cứu thể hiện một ý thức khác của giới trí thức Việt Nam: ý thức về sự lạc hậu và yếu kém chung của cộng đồng so với các nước khác trên thế giới. Ý thức về sự chậm trễ trong đời sống tri thức đã thúc đẩy các giảng viên, các nhà nghiên cứu và các thành viên trong xã hội khởi động và thực hiện việc đa dạng hóa trong việc cập nhật tri thức và cập nhật các thành tựu nghiên cứu của thế giới.
Những nỗ lực dịch thuật và nghiên cứu còn được nhìn nhận như là mở ra những đường thoát, hay những đường giải lãnh thổ hóa (bà Từ Huy sử dụng các khái niệm của Deleuze để diễn giải hiện tượng này), nhằm đặt nền móng và điều kiện cho tự do tư duy và tự do sáng tạo. Đó là cơ sở cho việc phát triển sức mạnh cá nhân, sức mạnh xã hội và sức mạnh quốc gia.
Thay cho lời kết luận, bà Nguyễn Thị Từ Huy mượn một ý của Deleuze để nói rằng quá trình thay đổi ở Việt Nam đang ở quãng giữa. Deleuze viết: “Khởi đầu và kết thúc là các điểm, chúng không có gì thú vị. Điều thú vị, chính là quãng giữa”. Chính trong quãng giữa này mà, bằng sự chuyển động của chính họ, các nhà xuất bản, các trí thức và các cá nhân ở Việt Nam, đang tạo ra sự chuyển động trên bình diện chung. Và họ cần phải làm việc nhiều hơn nữa mới có thể đáp ứng đòi hỏi và mong đợi của xã hội.
Buổi thuyết trình được tiếp nối bằng những thảo luận sôi nổi và đi vào chiều sâu xung quanh các vấn đề, hay thậm chí nan đề của dịch thuật và nghiên cứu thuôc khoa học xã hội và nhân văn: đâu là các mặt tích cực và tiêu cực của nghiên cứu hàn lâm ở Việt Nam? Làm thế nào để giải quyết sách được dịch nhiều nhưng ít được đọc? Làm thế nào để tạo sự kết nối giữa các dịch giả và các nhà xuất bản? Các nhà nghiên cứu Việt Nam phải làm gì để tìm một vị thế bình đẳng với các đồng nghiệp trên thế giới? Dĩ nhiên những câu hỏi này cần được tiếp tục thảo luận rộng rãi hơn và sâu hơn, ở nhiều môi trường khác nhau, nhiều phạm vi khác nhau.
Linh Phương