Hỏi: Sau khi tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, nguyên đơn và bị đơn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có yêu cầu giải quyết vắng mặt thì tòa án giải quyết như thế nào? Tòa án có thể xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ vắng mặt đối với cả nguyên đơn và bị đơn định cư ở nước ngoài được không?
Nguyễn Tuyết Mai (TP. Nha Trang)
Trả lời: Về vấn đề này, tại Công văn số 206/TANDTC- PC ngày 27-12-2022 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử nêu rõ, theo quy định tại Điều 238 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng thì tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ để xét xử vắng mặt đương sự, người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nguyên đơn, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;
c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cho phép tòa án tiến hành xét xử ngay cả khi tất cả người tham gia tố tụng vắng mặt nếu việc tống đạt văn bản tố tụng là hợp lệ và nguyên đơn, bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc bị đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt. Do vậy, tòa án có thể xem xét, giải quyết vụ án ly hôn vắng mặt các bên nếu vẫn bảo đảm việc tống đạt hợp lệ và nhận được phản hồi bằng văn bản hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật (ví dụ: Giấy tờ, tài liệu gửi từ nước ngoài về cho tòa án Việt Nam được hợp pháp hóa lãnh sự theo đúng quy định…).
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Nguồn: Báo Khánh hòa