. Hỏi: Tôi là chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng với giá trị các hợp đồng khá lớn. Hiện nay, có một khách hàng không chịu trả tiền tuy đã nhận đủ hàng. Tôi không muốn kiện ra tòa vì thủ tục của tòa luôn công khai và sợ bị ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp. Vậy tôi có thể kiện ở đâu ngoài tòa án?
(Trần Nguyễn Tú Na – thị xã Ninh Hòa)
. Trả lời: Hiện nay, pháp luật nước ta quy định có 4 hình thức giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại là: Thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án.
Theo đó, thương lượng là tự các bên có tranh chấp ngồi lại với nhau để tự dàn xếp, giải quyết các vấn đề của vụ việc. Hòa giải là việc các bên mời người thứ ba (có thể là hòa giải viên, luật sư, luật gia, trọng tài viên hay một người có uy tín…) chủ trì cho các bên giải quyết các nội dung tranh chấp còn có ý kiến khác nhau. Nếu các bên chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc tòa án thì phải làm đơn khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng dân sự hay Luật Trọng tài thương mại. Thỏa thuận trọng tài phải được ghi nhận trong hợp đồng ngay từ khi ký kết hoặc lập riêng trong quá trình thực hiện hợp đồng, kể cả khi đã xảy ra tranh chấp mà các bên thống nhất chọn trọng tài để giải quyết.
Về vấn đề bạn hỏi, nếu sau khi thương lượng và hòa giải không thành hoặc không tiến hành được thì bạn khởi kiện ra trọng tài (nếu trong hợp đồng đã có thỏa thuận trọng tài) hoặc bạn thống nhất với khách hàng đang nợ tiền là chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp (nếu chưa có thỏa thuận trọng tài) và tiến hành khởi kiện theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Thủ tục tố tụng trọng tài là xử không công khai, bảo mật thông tin cho các bên đương sự, bạn hoàn toàn yên tâm.
Trọng tài viên Lê Xuân Thân
(Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Khánh Hòa)
Nguồn:Báo Khánh hòa