. Hỏi: Chồng tôi đang chấp hành án phạt tù, sắp tới sẽ được ra trước thời hạn do cải tạo tốt. Tôi muốn được biết chính sách của Nhà nước hỗ trợ người ra tù về việc làm cũng như tránh được sự kỳ thị của xã hội?
Đỗ Thị Kim Dung (huyện Vạn Ninh)
. Trả lời: Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù được Chính phủ quy định tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP gồm thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng; trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý; đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm và các biện pháp hỗ trợ khác.
Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng nhằm định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của họ; trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ họ xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật. Người chấp hành xong hình phạt tù được hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi tham gia các hoạt động tố tụng, các thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, người chấp hành xong hình phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp dưới 3 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Trường hợp không thuộc đối tượng hỗ trợ thì UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ. Người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Nhà nước khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Nguồn:Báo Khánh hòa