Hỏi: Cháu tôi va chạm giao thông trên đường. Sau đó, có một cán bộ dân phòng của phường yêu cầu giữ xe nên cháu tôi không đồng ý và giằng co làm người này bị thương. Xin hỏi, hành vi của cháu tôi có phải là chống người thi hành công vụ không, xử phạt đối với hành vi này được quy định như thế nào?
(Nguyễn Thị Màu – Cam Ranh)
Trả lời: Theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ: Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Tùy vào mức độ mà hành vi chống người thi hành công vụ có thể xử lý hình sự hoặc hành chính.
Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chống người thi hành công vụ với hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu hành vi chống người thi hành công vụ chỉ ở mức vi phạm hành chính thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi chống người thi hành công vụ có mức phạt từ 1 triệu đến 6 triệu đồng tùy tính chất và mức độ vi phạm.
Luật sư Nguyễn Quang Vinh
Nguồn:Báo Khánh hòa