Hỏi: Có không ít trường hợp trẻ em điều khiển xe máy, có cả xe phân khối lớn mà người lớn không can ngăn. Việc này pháp luật quy định xử lý như thế nào?
Nguyễn Đông (TP. Cam Ranh)
Trả lời: Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Lỗi của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe được Chính phủ quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, trong một số trường hợp bị xử phạt như sau:
1. Chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc bị tước quyền sử dụng) có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức.
2. Chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp có giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc bị tước quyền sử dụng) có thể bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức.
Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 264 Bộ luật Hình sự, tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác về sức khỏe, tính mạng, tài sản, tùy thuộc mức độ thiệt hại có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng; phạt tù đến 7 năm.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Nguồn: Báo Khánh hòa