. Hỏi: Ở địa phương có tổ chức thừa phát lại hoạt động, chúng tôi được biết tổ chức này có chức năng lập các giấy tờ, văn bằng xác nhận các sự kiện pháp lý. Vậy trường hợp chúng tôi mua bán nhà ở hay chuyển nhượng đất đai thì thừa phát lại có thể chứng nhận mà không cần công chứng được không?
Bùi Thị Thủy (TP. Cam Ranh)
. Trả lời: Tổ chức và hoạt động của thừa phát lại được Chính phủ quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP. Theo nghị định này, thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự.
Về phạm vi lập vi bằng của thừa phát lại được quy định: Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc (trừ các trường hợp quy định không được lập vi bằng). Vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Luật Đất đai có quy định: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực (trừ trường hợp kinh doanh bất động sản có quy định riêng).
Luật Nhà ở quy định: Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng (trừ trường hợp được quy định không bắt buộc phải công chứng, chứng thực).
Nghị định của Chính phủ cũng đã nói rõ vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Luật sư Nguyễn Thiện Hùng
Nguồn: Báo Khánh hòa