Chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thanh (xã Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội) vừa chạm mốc 100 lần hiến máu tình nguyện khiến nhiều người ngưỡng mộ. Thanh duy trì thói quen hiến máu suốt 8 năm qua chỉ với suy nghĩ: “Nếu không làm được điều gì to lớn thì hãy bắt đầu bằng việc nhỏ bé, bản thân có thể làm được để giúp đỡ những người xung quanh”.
Thanh cho biết, chàng trai trẻ bắt đầu hiến máu từ năm 2014 khi là sinh viên của trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp (Hà Nội). Khi đó, các đội tình nguyện đi tuyên truyền, vận động sinh viên hiến máu và Thanh đã tham gia.
Sau 3 lần hiến máu, Thanh được tư vấn hiến tiểu cầu. Khi đó ở bệnh viện, nhu cầu về tiểu cầu cao nhưng ít người biết đến. Sau mỗi lần hiến máu, chàng trai trẻ được cấp giấy chứng nhận để không may nếu sức khỏe có vấn đề gì cũng nhận lại được máu.
“Những lần đến bệnh viện hiến máu, hiến tiểu cầu, mình bắt gặp rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Có những bệnh nhi tuổi còn rất nhỏ đã phải chịu sự hành hạ đau đớn bởi căn bệnh ung thư quái ác… Họ cần máu để duy trì sự sống mỗi ngày. Vì thế mình muốn được giúp đỡ người bệnh, muốn lan tỏa việc hiến máu và tham gia các hoạt động tình nguyện”, Thanh chia sẻ.
Thời gian hiến máu toàn phần phải cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu thì sau 21 ngày là có thể hiến tiếp nên Thanh tham gia… cả hai hình thức. Mỗi năm, chàng trai trẻ hiến tiểu cầu 14 – 15 lần. Chàng trai có nhóm máu B này đã đạt cột mốc 100 lần hiến máu cách đây ít ngày khiến nhiều người cảm phục.
Thanh bật mí, để có thể hiến máu đều đặn chàng trai trẻ duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, đồng thời chơi thể thao để nâng cao sức khỏe. Trước khi đi hiến máu, Thanh sẽ cân đối chế độ ăn, không ăn quá nhiều chất đạm và hạn chế rượu bia. Chàng trai trẻ làm việc tự do nên cũng luôn chủ động sắp xếp thời gian để tham gia hiến máu tình nguyện.
Tuy nhiên, trước tần suất hiến máu liên tục, dày đặc vợ Thanh không khỏi lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chàng trai trẻ nên có ý phản đối. Khi đó, Thanh là người giúp vợ tìm hiểu về những lợi ích của việc hiến máu. Đặc biệt, chàng trai trẻ thường xuyên chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện xúc động về những người bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để người thân, bạn bè thấy được ý nghĩa việc hiến máu tình nguyện.
“Qua những câu chuyện, vợ mình hiểu và thấy thương người bệnh nên ủng hộ chồng hiến máu. Mỗi lần hiến máu, mình thích ăn gì cô ấy cũng mua về nấu để mình mau chóng hồi phục sức khoẻ”, Thanh kể.
Thường xuyên tham gia hiến máu nên Thanh rất có ý thức giữ gìn lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, chăm chỉ tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, cũng có đôi lần chàng trai trẻ rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Sau mỗi lần hiến máu, Thanh đều được bác sĩ dặn không được vận động quá mạnh. Tuy nhiên, có lần vừa hiến máu về chàng trai trẻ đã đi đá bóng nên bị choáng, ngất ngay trên sân cỏ.
Sau lần đó, Thanh càng tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hơn vì không muốn làm người thân lo lắng và nhất là ảnh hưởng đến việc hiến máu. Năm 2021, dù dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nhưng chàng trai sinh năm 1996 này vẫn tham gia đều đặn việc hiến máu. Thanh hiểu, dịch bệnh gây khó khăn, lượng máu dự trữ cạn dần trong khí đó rất nhiều người bệnh cần đến máu.
Vì thế, Thanh chỉ tạm ngừng đến bệnh viện hiến máu khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Ngay khi hết giãn cách, chàng trai trẻ đã có mặt để hiến những giọt máu đào, giúp người khó khăn vượt qua bệnh tật.
Hiện Thanh đạt mốc 100 lần hiến máu nhưng chàng trai trẻ không hề có ý định ngừng tham gia hoạt động ý nghĩa này.
“Mong muốn lớn nhất của mình là nhiều người bệnh có thể tiếp tục sống và ngày càng có nhiều người tham gia hiến máu cứu người. Trong một lần tham dự lễ tri ân những người hiến máu, được nghe người bệnh chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, mình càng tự nhủ bản thân phải tiếp tục và làm tốt hơn nữa việc tình nguyện này. Vì thế, còn sức khỏe là mình còn tham gia hiến máu tình nguyện”, Thanh tâm sự.
Thanh cho biết thêm, người hiến máu thường xuyên luôn ý thức giữ gìn sức khỏe để có được nguồn máu an toàn, chất lượng cho người bệnh. Nếu mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe hãy duy trì việc hiến máu thường xuyên, tối thiểu mỗi năm khoảng 2 – 3 lần. Bản thân người hiến máu không chỉ được thường xuyên kiểm tra sức khỏe mà sẽ có thêm nhiều bệnh nhân có đủ nguồn máu để chữa trị, duy trì cuộc sống.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ và Pháp Luật