Với hy vọng những tiết học lịch sử không còn khô khan, 2 học sinh Nguyễn Phan Minh Hiển (lớp 12A3) và Hoàng Thảo Quyên (lớp 11, cùng Trường THPT Cam Lộ, H.Cam Lộ, Quảng Trị) xây dựng một ứng dụng số về các di tích lịch sử trên địa bàn huyện.
Dự án này đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh ở Quảng Trị năm 2021 – 2022. Được xây dựng dựa trên nền tảng có sẵn ArcGIS, ứng dụng được nhóm tác giả thiết lập một bản đồ thông tin về tất cả di tích lịch sử trên địa bàn H.Cam Lộ. Những thông tin được cung cấp trên ứng dụng đều do chính các học sinh tự tay thực hiện.
Chỉ sau 3 tháng triển khai, ứng dụng đã được đưa vào thử nghiệm thực tế và mang lại những kết quả tốt. Nguyễn Phan Minh Hiển cho biết trong quá trình thực hiện, đã đi đến hơn 30 di tích trên địa bàn huyện. “Có những nơi khi đến thì cả em và ban quản lý di tích vẫn chưa xác định được thông tin của di tích một cách chính xác. Sau khi đã có đầy đủ dữ liệu về di tích thông qua khảo sát thực tế, cùng với sự hỗ trợ của thầy Trần Văn Minh (giáo viên môn lịch sử) và cô Phan Thị Hoa Lợi (giáo viên tin học), chúng em đã hoàn thiện được ứng dụng sau hơn 3 tháng thực hiện”, Hiển nói.
Theo Hoàng Thảo Quyên, để sử dụng ứng dụng này, người dùng sẽ kết nối thông qua việc quét mã QR, mọi thông tin của di tích sẽ được hiển thị dưới dạng văn bản và video trực quan. Hình ảnh 3D sinh động sẽ giúp mọi người dễ tiếp cận hơn. Sau khi hoàn thiện, dự án đã được thử nghiệm tại chính điểm trường THPT Cam Lộ. Sau một thời gian sử dụng, Trần Đình Nhật (học sinh lớp 12A3) cho biết: “Em cảm thấy ứng dụng này rất hay. Với một số địa điểm em chưa từng đến, thông qua ứng dụng này em có cảm giác như nó được đưa đến gần với mình hơn. Đó là một điều rất mới mẻ”.
Thầy giáo Trần Văn Minh, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Cam Lộ, là người hướng dẫn nhóm tác giả nghiên cứu, tìm hiểu về các di tích cũng như giải đáp thắc mắc giúp các em đi đúng hướng. “Lịch sử địa phương đóng vai trò rất quan trọng, làm phong phú và tạo nên ý nghĩa của cả một lịch sử dân tộc. Nói một cách khác, đó là sự minh họa cho quá trình đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”, thầy Minh nói. Hiện nay, chương trình lịch sử của bậc THPT mỗi tuần chỉ có 2 tiết (lớp 12) và 1 tiết (lớp 10 và 11). Thế nên, thời gian dành cho việc giảng dạy và truyền bá lịch sử địa phương rất ít, nhất là với Quảng Trị, nơi “cứ trong 1 km2 bán kính chúng ta sẽ bắt gặp một di tích lịch sử” như thầy Minh hình dung.
Chính vì thế, dự án của các học sinh này đóng vai trò ứng dụng quan trọng trong việc dạy và học của Trường THPT Cam Lộ. Dự án còn hướng tới nhiều đối tượng kể cả người trong và ngoài tỉnh, thậm chí cho khách du lịch nước ngoài khi nhóm tác giả trình bày thông tin bằng song ngữ Việt – Anh. “Trong tương lai, em còn có dự định phát triển phần mềm và sẽ tìm đến cả những di tích trong toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp, nếu ứng dụng phát triển tốt thì sẽ giúp cho việc học tập và du lịch dễ dàng hơn”, Hiển nói.
Nguồn: Báo Thanh Niên