Ngày 15/10/2021, Bộ môn Du lịch thuộc Khoa Ngôn ngữ, Du lịch và Văn hoá, (TBD) đã tổ chức thành công buổi tọa đàm “Du lịch sức khoẻ – Sẵn sàng phục vụ cho một bình thường mới”.
Buổi tọa đàm thu hút các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch sức khoẻ, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường cùng giảng viên bộ môn Du lịch ĐH TBD.
Du lịch sức khỏe hiện nay đang là một xu hướng rất được quan tâm, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh. Khách hàng đang ngày càng chú ý đến việc chăm sóc cho sức khoẻ của bản thân và gia đình.
“Qua khảo sát của tập đoàn, VinOasis nhận thấy được tiềm năng của loại hình du lịch Wellness (sức khỏe) là rất rộng lớn và đa đạng, bao gồm cả các hình thức chăm sóc chuyên sâu và các hoạt động phục hồi tinh thần nên Vinpearl đã hoàn thiện các gói sản phẩm để đáp ứng cho thị trường”.
Ông Ngô Nhật Minh, Tổng Giám Đốc Vinpearl Oasis Phú Quốc chia sẻ.
“Như vậy để phát triển được loại hình này, địa phương cần phải chuẩn bị gì?” ThS. Võ Trần Hải Linh, giảng viên bộ môn Du lịch ĐH TBD đã đặt câu hỏi dẫn nhập cho các khách mời.
Để phát triển loại hình du lịch này, ở những bước đầu tiên, địa phương có thể khai thác các nguồn lợi tự nhiên. Chuyên gia Du lịch Emanuelle Peyvel đến từ Pháp chia sẻ kinh nghiệm của đất nước mình: “Ở vùng Bretagne, du lịch sức khoẻ gắn liền với các sản phẩm, thực phẩm, với nguyên liệu bản địa, mỏ muối khoáng tự nhiên, các hoạt động thể thao địa phương”.
“Nha Trang rất được thiên nhiên ưu đãi. Ngoài các sản phẩm vốn có liên quan đến du lịch biển, Nha Trang còn rất nhiều tiềm năng với các tài nguyên du lịch rừng núi. Do đó, các hoạt động du lịch sức khoẻ là rất phù hợp tại đây”.
ThS. Dương Ngọc Thắng, giảng viên trường Đại học Kinh tế TP. HCM nhận định.
Việc xây dựng thương hiệu điểm đến gắn liền với du lịch sức khoẻ, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư khá lớn về cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ bổ sung.
Ông Ngô Nhật Minh, Tổng Giám Đốc Vinpearl Oasis Phú Quốc chỉ ra rằng: “Vinpearl Oasis thấy được rằng đối tượng khách này muốn hoàn toàn được thoải mái và thư giãn trong kì nghỉ của mình. Do đó, Resort đã đầu tư theo mô hình dịch vụ trọn gói (All-inclusive) bao gồm tất cả các dịch vụ giải trí như Vin Wonder, Safari, Công viên nước, và đặc biệt là dịch vụ chăm sóc trẻ em”.
Theo chuyên gia Đoàn Thị Mỹ Hạnh, việc đầu tư này đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn khá lớn và thương hiệu mạnh. Một câu hỏi được đặt ra là liệu có cơ hội nào cho các doanh nghiệp nhỏ hay không?
Trả lời cho vấn đề này, chuyên gia Dương Ngọc Thắng cho rằng: “Mô hình du lịch cộng đồng có thể là giải pháp tốt cho các hộ kinh doanh du lịch nhỏ. Các hộ kinh doanh nhỏ tại địa phương sẽ phối hợp với các tập đoàn du lịch trong việc cung cấp nguyên liệu, nhân lực và các hoạt động gắn với thói quen chăm sóc sức khoẻ của người dân tại địa phương.”
Trở ngại lớn nhất của du lịch sức khoẻ là nằm ở đội ngũ nhân sự. Cả ba bên doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và nhà trường đều đồng ý rằng hiện tại Việt Nam chưa có đủ đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, có chuyên môn phù hợp trong ngành này. Việc triển khai một dự án du lịch sức khoẻ đòi hỏi có sự tham gia của đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên điều dưỡng, nhân viên chăm sóc và dịch vụ liên quan.
VinOasis may mắn được liên kết, tư vấn và giúp đỡ từ tập đoàn với các bác sĩ của VinMed để triển khai dự án. Tuy nhiên, nhân sự trong chuyên ngành này đang thật sự rất thiếu. Đồng ý quan điểm cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, TS. Võ Sáng Xuân Lan, Trưởng Khoa Ngôn ngữ, Du lịch và Văn hoá ĐH TBD cho rằng “Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần có một thế hệ được đào tạo chuyên sâu về dịch vụ du lịch sức khoẻ. Và tôi nghĩ bộ môn Du lịch đã sẵn sàng để tổ chức đào tạo nhân lực cho ngành du lịch sức khỏe.””
Buổi toạ đàm “Du lịch sức khoẻ – Sẵn sàng phục vụ cho một bình thường mới” đã mang lại cho giảng viên bộ môn Du lịch ĐH TBD, các chuyên gia và doanh nghiệp một cái nhìn đa chiều hơn, thấy được cơ hội và thách thức của ngành Du lịch sau đại dịch.
Bộ môn Du lịch – Khoa Ngôn ngữ, Du lịch và Văn hóa ĐH TBD
ĐỌC THÊM:
Ban tổ chức Hội thảo quốc tế “Du lịch và đại dịch Covid – 19 từ các góc nhìn” thông báo về việc thay đổi thời gian phản biện, in ấn kỷ yếu hội thảo tập 2.
Ngày 23/02/2022, Khoa Ngôn Ngữ, Du Lịch và Văn Hóa, trường ĐH Thái Bình Dương (TBD) đã tổ chức buổi bảo vệ Báo cáo Thực tập tốt nghiệp dành cho 42 sinh viên khoá 2018 ngành Du Lịch.
Nằm trong chuỗi sự kiện TBD Re-boarding “Chạy đà, cất cánh”, sáng 21/2, sinh viên ngành Du lịch khóa 2021, trường ĐH TBD đã được tham gia “chuyến đi khám phá” city tour thành phố Nha Trang do các thầy cô Bộ môn Du lịch tổ chức.